QUY TRÌNH CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU KHIỂN RA HOA LAN HỒ ĐIỆP
Lan Hồ điệp tên gọi là Phalaenopsis, thuộc họ phụ Vandeae. Tên gọi Phalaenopsis bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp trong đó Phalaina có nghĩa là “Con bướm” và Opsis có nghĩa là “giống như”. Đa số các loài của chi có hoa giống như con bướm. Lan Hồ điệp hiện nay được trồng rộng rãi trên thế giới và được mệnh danh là ” Hoàng hậu”.
Nước ta những năm gần đây, khi đời sống kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu thụ hoa cao nên thị trường hoa lan trong nước ngày càng phát triển, việc trồng lan Hồ điệp đã và đang trở thành nghề đem lại lợi nhuận cao.
1. Yêu cầu về giá thể:
Giá thể phải tơi xốp, thoáng khí, có khả năng giữ nước (Xơ dừa, rêu biển, mùn cây, than bùn thô, hạt đá nhỏ, vỏ thông vụn…). Giá thể cần phải được xử lý kỹ trước khi trồng (hấp hoặc luộc nước sôi tiệt trùng; hoặc ngâm với thuốc phòng nấm bệnh).
2. Yêu cầu về ánh sáng:
Ánh sáng trực tiếp không thích hợp cho hồ điệp, cần phải che bớt ánh nắng. Mùa hè che đi 70-80% ánh sáng; mùa đông che đi 40-50% ánh sáng.
3. Độ ẩm:
Mùa xuân 3-7 ngày tưới 1 lần; vụ hè 1-2 ngày tưới 1 lần; vụ đông chỉ tưới khi độ ẩm 10-15% (Nên tưới sau 10h sáng và trước 3h chiều để tránh nước đọng trên lá).
4. Kỹ thuật ra cây từ chai mô:
Cẩn thận gắp cây ra khỏi bình, dùng nước sạch rửa sạch môi trường thạch bám xung quanh, tránh là dập lá hoặc đứt gãy lá và rễ. Có thể ngâm cây trong dung dịch khử trùng (nước muối loãng; nước xà phòng loãng; hoặc thuốc tím 0,05% trong 5 phút để diệt nấm bệnh. Vớt cây ra để ráo nước. Quấn giá thể xung quanh rễ rồi trồng ra chậu, mặt trên của giá thể cách miệng chậu 0,5cm.
5. Kỹ thuật chăm sóc cây:
– Tưới nước: 4 tuần đầu sau khi ra ngôi chỉ cần tưới nhẹ trên bề mặt lá. Khi rễ xuất hiện thì tăng lượng nước và tần xuất tưới.
– Ánh sáng: tốt nhất trong 5 tuần đầu là 5000lux, tối đa 8000 lux.
– Nhiệt độ: 25-31 độ.
– Phân bón: dùng NPK 30:10:10 phun định kỳ tuần 1 lần.
6. Xử lý phân hóa mầm hoa theo phương pháp nhân tạo:
– Tuổi cây khoảng 18-20 tháng (kể từ lúc ra chai), rễ ra xung quanh bầu, thì tiến hành xử lý ra hoa vào đúng dịp tết nguyên đán.
– Phải có nhà kính với các thiết bị điều khiển nhiệt đô, ánh sáng.
– Thời gian bắt đầu xử lý: mùng 1 tháng 8 âm lịch, khi thấy xuất hiện mầm hoa từ 3-5 cm (khoảng 30-40 ngày) thì dừng lại.
– Nhiệt độ: Ngày 23-24 độ (12 tiếng), đêm 15-16 độ (12 tiếng).
– Ánh sáng: cường độ ánh sáng trong quá trình xử lý 20.000-25.000 lux trong thời gian 6-8 tiếng/ngày.
– Phân bón: NPK 9:45:15 tưới trước khi xử lý 10 ngày và định kỳ tuần 1 lần trong suốt quá trình xử lý.
7. Xử lý trong điều kiện tự nhiên:
– Chọn nơi có điều kiện mát mẻ, nhiệt độ ban đêm tầm 15-18 độ, ban ngày 23-25 độ; độ ẩm 75-80%; số giờ chiếu sáng trong ngày 6-10 tiếng/ngày .
– Có nhà mái che kiên cố hoặc nhà tạm, hướng nhà và giàn theo hướng Bắc -Nam để tận dụng ánh sáng mặt trời.
– Tuổi cây khoảng 18-20 tháng (kể từ lúc ra chai), rễ ra xung quanh bầu, thì tiến hành xử lý ra hoa vào đúng dịp tết nguyên đán.
– Ánh sáng: cường độ 20.000-25.000 lux, thời gian 6-8 tiếng 1 ngày (có thể điều chỉnh bằng cách kéo hoặc thu lưới đen).
– Bón phân: NPK 9:45:15
– Lưu ý: trong quá trình xử lý nếu nhiệt độ cao hơn 25 độ thì phải giảm nhiệt độ bằng cách che lưới đen, làm mát; nếu nhiệt độ thấp hơn 15 độ thì có thể thắp điện, hoặc có thể dùng hơi nóng của lò đốt than để tặng nhiệt độ.
8. Chăm sóc giai đoạn sau phân hóa mầm hoa:
– Thời gian từ khi phân hóa mầm hoa đến khi nở bông đầu tiên 110-115 ngày, căn cứ vào đó để điều khiển ra hoa vào đúng dịp tết
– Nhiệt độ phù hợp 18-25 độ,
– Ánh sáng: 20.000-25.000 trong 6-8 tiếng/ngày
– Phân bón: dùng NPK 10:20:20, 1 tuần 1 lần
– Tưới nước: Thường xuyên kiểm tra độ ẩm của giá thể không để khô quá hoặc ướt quá để điều chỉnh lượng nước tưới. Tưới sau 10h sáng và trước 3h chiều, không để nước đọng trên lá. Sử dụng nguồn nước sạch có pH 6-6,5; EC 0,03-0,1.
Mọi thắc mắc về kỹ thuật vui lòng liên hệ 0967614066 để được tư vấn và giải đáp.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG!
TS. Giang &cs