Trên vườn lan của bạn xuất hiện những vết chích nhỏ và dần gây lở loét lá lan và cả trên nụ hoa nữa. Bạn đang hoang mang không biết đó là bệnh hay gì? Đó chính là dấu hiệu ruồi vàng chích hại lan. Ruồi vàng chích trên lá làm giảm giá trị thẩm mỹ của lan rất nhiều. Vì vậy, bạn cần chủ động phòng ngừa mối nguy hại này. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có cách trị ruồi vàng đơn giản và hiệu quả trên hoa lan.
Đặc điểm sinh học và sinh thái của loài ruồi vàng
Vòng đời của ruồi vàng gồm 22-28 ngày và ruồi vàng trải qua 4 giai đoạn là Trứng – Ấu trùng (Dòi) – Nhộng và Ruồi trưởng thành:
+ Trứng (2-3 ngày): Trứng ruồi có hình thuôn dài như quả dưa chuột, kích thước khoảng 1mm, lúc mới đẻ trứng có màu trắng sữa, khi sắp nở có trứng màu vàng nhạt. Khi giòi nở tách vỏ trứng ra theo một đường dọc.
+ Ấu trùng (8-10 ngày): Ấu trùng non mới nở có kích thước dài khoảng 1,5mm, miệng nó có móc rất cứng màu đen, sức dài khoảng 6-8 mm, có màu vàng nhạt. Khi dòi đủ lớn đẫy sức chui ra ngoài biến thành nhộng.
+ Nhộng (7-12 ngày): Vỏ nhộng (còn gọi là kén giả) có hình trứng dài, lúc đầu có màu hơi vàng nâu, lúc ruồi sắp vũ hóa sẽ chuyển màu sang màu nâu đỏ.
+ Ruồi trưởng thành: đẻ trứng sau 5-7 ngày và có thể sống được cả hàng tháng.
Một con ruồi vàng cái có thể đẻ tới 150-200 trứng.
Ruồi vàng hoạt động vào ban ngày, thường là sáng sớm và lúc chiều mát.
Hình thức gây hại của ruồi vàng
– Ruồi vàng cái châm thành lỗ để đẻ trứng vào trong lá hay trong nụ hoa lan.
– Sau 1 thời gian trứng ruồi nở thành ấu trùng, ấu trùng sử dụng các chất dinh dưỡng có trong nụ hoa làm nụ hoa không nở được nữa, gây lở loét trên lá lan.
– Nếu ruồi vàng cái đẻ trứng vào mùa mưa kéo dài sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập vào cây gây thối nhũn cây trong vườn. Hay tạo những vết sẹo sần sùi sẽ làm mất thẩm mỹ và bị giảm giá trị của 1 chậu lan.
– Ruồi vàng có mặt ở khắp nơi, gây hại nhiều mùa trong năm và ruồi gây hại trên nhiều đối tượng cây khác nhau. Chúng là loại côn trùng chúng luôn di chuyển nên việc phun thuốc hóa học để tiêu diệt rất khó khăn và kém hiệu quả.
– Do vậy phương pháp diệt trừ côn trùng này cũng đòi hỏi những chiến thuật riêng và cần có kinh nghiệm.
Biện pháp phòng ruồi vàng hại lan
Với quy mô vườn nhỏ, dùng lưới chắn côn trùng có màu trắng, độ bền cao vây quanh xung quanh để ngăn cản nhập cư và gây hại của ruồi vàng vào vườn cùng 1 số côn trùng khác.
Với quy mô vườn lớn, nên sử dụng định kỳ những chất có tác dụng xua đổi ruồi vàng như: thuốc trừ muỗi ý tế Fendona, tinh dầu xả, tinh dầu tràm, phun định kỳ 7-10 ngày phun 1 lần. Thường phun vào sáng sớm hoặc chiều mát theo liều lượng được khuyến cáo trên bao bì sản phẩm. Có thể dùng băng phiến (long não) treo ở dưới đáy giò lan trong vườn để xua đuổi ruồi vàng.
Cách xử lý diệt ruồi vàng hại lan
Biện pháp vật lý:
Vây kính cho giàn lan, hoặc phủ một lớp ngoài bằng lưới xanh đen quây xung quanh giàn, bạn nên vây thêm 1 lớp lưới bằng sợi cước trắng có mắt nhỏ để ngăn cản ruồi và các loại côn trùng khác xâm nhập vào vườn.
Biện pháp hóa học:
Hiện tại, trong danh mục thuốc Bảo vệ thực vật ở Việt Nam được phép sử dụng chưa có loại thuốc nào đăng ký trừ ruồi vàng hại trên cây lan. Tuy nhiên, để phòng trừ kịp thời ruồi phát tán gây hại trên diện rộng, bạn có thể dùng bẫy ruồi để tiêu diệt bằng một trong các loại thuốc như:
+ Methyl Eugenol 90% + Naled 5% (Flykil 95EC)
+ Methyl Eugenol 75 % + Dibrom 25 % (Ruvacon 90L, Vizubon D)
+ Methyl Eugenol 60% + Propoxur 10% (Vizubon – P)
+ Protein thuỷ phân (Ento-Pro 150DD) + Regent
Hướng dẫn sử dụng một số thuốc khắc phục
Dùng thuốc Sofri Protein
Pha loãng thuốc với nước theo tỷ lệ khuyến cáo, sau đó phun trên lá, thân gốc cây lan.
Phun định kỳ 7-10 ngày phun 1 lần, phun cả các thời kỳ sinh trưởng của cây.
Cơ chế: chất dẫn dụ trong thuốc sẽ dẫn dụ ruồi vàng vào và tiếp xúc với chất độc trong thuốc sẽ giết chết ruồi vàng.
Dùng thuốc Vizubon-D
– Thuốc là một hỗn hợp gồm hai thành phần gồm thuốc độc và chất dẫn dụ ruồi đực. Đó là Methyl eugenol là một loại hocmon giới tính do ruồi cái tiết ra trong mùa sinh sản để có thể dẫn dụ ruồi đực đến giao phối.
– Hợp chất này có hoạt tính sinh học khá cao nên có tác dụng dẫn dụ toàn bộ ruồi đực đến tiếp xúc với thuốc, đồng thời, nó làm độc và gây chết ruồi đực rất nhanh và triệt để, làm loài này cho mất cân bằng giới tính, từ đó không gây thiệt hại cho vườn hoa nữa.
– Dùng bẫy tự chế hay dùng loại chuyên dụng mua có sẵn trên thị trường, pha thuốc theo hướng dẫn của trên bao bì đặt vào bẫy. Treo bẫy có thuốc xung quanh vườn lan , cứ 10-15 ngày thay thuốc 1 lần và thường xuyên dọn xác của ruồi chết trong bẫy này.
– Ngoài ra bạn có thể dùng các loại thuốc có hiệu quả khác hoặc các thiết bị bắt ruồi như: Quạt, đèn chuyên dụng…
– Ruồi vàng nếu bạn không có cách xử lí kịp thời thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng cũng như giá trị của cây lan. Vì vậy bạn cần thăm vườn thường xuyên và chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa ruồi vàng. Cảm ơn bạn đã quan tâm bài viết.